Friday, October 5, 2012

Dạy bé ngủ độc lập: Phương pháp “Để bé khóc” hay “Cry-it-out”.

Phương pháp‘Cry-it-out’(CIO) là gì?
Mọi người thường nghĩ rằng phương pháp này liên quan đến việc để cho trẻ khóc một mình cho đến khi tự đi vào giấc ngủ. Nhưng CIO là bất kỳ phương pháp huấn luyện ngủ nào mà để cho trẻ khóc trong cho 1 khoảng thời gian quy định (thường 1 khoảng thời gian rất ngắn) trước khi cha mẹ vào dỗ trẻ.
Trong cuốn sách năm 1985 “Giải quyết các vấn đề giấc ngủ của trẻ em”(sửa đổi và bổ sung năm 2006), bác sĩ nhi khoa Richard Ferber đã trình bày một phương pháp giúp trẻ tự ngủ mà sau này mọi người vẫn gọi là CIO hoặc phương pháp Ferber.
Bản thân Ferber không bao giờ sử dụng thuật ngữ “Cry-it-out”. Và ông cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng khóc, tuy không phải là điều ta mong muốn, nhưng đối với một số trẻ lại là một phần không thể tránh khỏi của quá trình dạy ngủ độc lập.
Lý thuyết đằng sau CIO là gì?
Các phương pháp CIO giả định rằng tự ngủ là một kỹ năng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác và con bạn có thể nắm vững kỹ năng này nếu bạn cho bé cơ hội.
Các chuyên gia theo phương pháp này cho rằng nếu con bạn luôn được bạn ru hoặc cho bú ti để ngủ thì bé sẽ không hiểu được việc tự ngủ là như thế nào. Và khi bé thức giấc vào ban đêm – giống như tất cả trẻ em và người lớn khác vì đó là một đặc điểm của chu kỳ ngủ tự nhiên (có sự đan xen giữa ngủ say và ngủ nông. Xem thêm 8 điều cần biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh) trẻ sẽ khóc tìm bạn thay vì có thể tự ngủ trở lại.
Ngược lại, nếu con bạn học cách tự đưa mình vào giấc ngủ, bé có thể tự ru mình ngủ lại khi thức dậy vào ban đêm.
Khóc không phải là mục tiêu của phương pháp huấn luyện ngủ này, nhưng những người ủng hộ nói rằng đó thường là một phần khó có thể tránh khi con bạn học cách điều chỉnh để tự ngủ. Họ nói rằng sự đau đớn ngắn hạn của một vài giọt nước mắt sẽ được đền bù bởi những lợi thế lâu dài là đứa trẻ sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng, và cha mẹ có được những đêm ngon giấc.
Tôi muốn thử phương pháp Ferber. Vậy tôi phải làm như thế nào?
Trước tiên, hãy đợi cho đến khi con bạn đã sẵn sàng về mặt thể chất và tinh thần cho việc ngủ liền qua đêm, thường là từ 4 đến 6 tháng tuổi. Ferber không chỉ định một độ tuổi xác định để bắt đầu kỹ thuật của mình, vì nó có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào đứa trẻ.
Nếu bạn gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ bé, hãy đợi một vài tuần trước khi thử lại.
Bước 1: Đặt bé vào giường/ cũi khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức.
Bước 2: Nói chúc ngủ ngon với con bạn và ra khỏi phòng. Nếu bé khóc khi bạn đi, để cho bé khóc trong một thời gian nhất định (xem bên dưới).
Bước 3:Trở lại vào phòng nhưng không lâu hơn một hoặc 2 phút để vỗ nhẹ và trấn an bé. Vẫn tắt đèn và giữ cho giọng nói của bạn bình tĩnh và nhẹ nhàng. Đừng bế bé lên. Rời khỏi phòng một lần nữa trong khi bé vẫn còn tỉnh táo, ngay cả khi bé lại khóc.
Bước 4: Ở lại bên ngoài trong một khoảng thời gian lâu hơn lần đầu tiên và lặp lại các bước trên, và luôn đứng bên ngoài phòng trong khoảng thời gian tăng dần, và mỗi lần trở lại phòng chỉ một hoặc hai phút để vỗ nhẹ và trấn an bé, và lại rời phòng trong khi bé vẫn thức.
Bước 5: Thực hiện các bước này lặp lại cho đến khi bé đã ngủ thiếp đi khi bạn ra khỏi phòng.
Bước 6: Nếu con bạn tỉnh dậy một lần nữa sau đó, theo cách tương tự, bắt đầu với thời gian chờ đợi tối thiểu cho đêm đó và tăng dần khoảng thời gian giữa các lần cho đến khi bạn đạt được khoảng thời gian chờ tối đa cho đêm đó.
Bước 7: Tăng thời gian chờ giữa các lần bước vào phòng bé mỗi đêm. Trong hầu hết trường hợp, theo Ferber, con bạn sẽ có thể tự ngủ sau đêm thứ ba hay thứ tư, hay một tuần là nhiều nhất. Nếu bé vẫn kháng cự sau nhiều đêm cố gắng, hãy đợi một vài tuần và sau đó thử lại.
Tôi nên đợi trong khoảng thời gian giữa các lần là bao lâu?
Trong cuốn sách của mình, Ferber hướng dẫn như sau:
• Đêm đầu tiên: Chờ 3 phút lần thứ nhất, 5 phút lần thứ hai, và 10 phút cho lần thứ ba và tất cả các thời gian chờ đợi tiếp theo.
• Đêm thứ hai: Chờ 5 phút, sau đó 10 phút, sau đó 12 phút.
• Làm theo các khoảng thời gian lâu hơn trên mỗi đêm tiếp theo.
Hãy ghi nhớ rằng không có kì bí gì về khoảng thời gian mà bạn phải đợi. Bạn có thể chọn bất kỳ độ dài thời gian nào mà bạn cảm thấy thoải mái, nhưng hãy theo nguyên tắc tăng dần thời gian giữa các lần.
Các lời khuyên thực tế khi thử phương pháp CIO từ cha mẹ và các chuyên gia.
• Trước khi bạn thử phương pháp CIO, hãy xây dựng lịch trình cho giờ ngủ cho bé và duy trì nó. Ví dụ, tắm, đọc sách, hát ru, sau đó là ngủ, tại cùng một thời điểm mỗi đêm. Bằng cách này con của bạn biết chính xác phải làm gì. Nó cũng giúp cho việc có một lịch sinh hoạt đều đặn vào ban ngày.
• Hãy chắc chắn rằng cả bạn và chồng bạn đã sẵn sàng, cả về mặt tâm lý và thể chất để bắt đầu thực hiện kế hoạch này. Hãy nói chuyện về các kế hoạch trên với các vợ/chồng bạn và chắc chắn rằng cả hai bạn hiểu và đồng ý về cách thức tiến hành. Bằng cách đó bạn sẽ có thể hỗ trợ nhau nếu bạn gặp khó khăn.
• Khi bạn bắt đầu thực hiện kế hoạch của bạn, hãy kiên trì. Các phụ huynh có kinh nghiệm về việc huấn luyện ngủ cho con mình đồng ý rằng kiên trì và nhất quán là chìa khóa thành công. Hãy thực hiện trong một vài tuần, trừ khi bạn nhận ra rằng con bạn chỉ đơn giản là không sẵn sàng về thể chất hoặc tình cảm, và bạn quyết định hoãn kế hoạch đó một thời gian,. Khi con bạn đánh thức bạn dậy lúc 2 giờ sáng, bạn có thể bị cám dỗ về việc bế và ru bé ngủ, nhưng nếu bạn làm thế, mọi nỗ lực của bạn đã bị lãng phí và bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.
• Bạn có thể bị mất ngủ một chút. Hãy bắt đầu phương pháp CIO vào một đêm cuối tuần, vì bạn sẽ có thể ngủ bù vào sáng thứ bảy khi bạn được nghỉ làm.
• Chờ đợi một đêm khó khăn. Chúng ta đều biết nghe tiếng con khóc là một việc không dễ chịu gì. Trong thời gian chờ đợi, hãy dùng đồng hồ bấm giờ và đi đến một phòng khác, hoặc bật nhạc, để bạn không phải nghe tiếng khóc của con. Những đêm đầu tiên khi thực hiện phương pháp này sẽ thật khó khăn cho vợ chồng bạn, nhưng hãy cố thư giãn và biết rằng, trên tất cả, mọi người trong nhà sẽ có những đêm ngủ yên lành trong những đêm tới.
• Hãy thực hiện việc này cùng chồng/vợ bạn. Trong thời gian chờ đợi, làm một cái gì đó thú vị với chồng/vợ bạn, như chơi bài hoặc nghe nhạc. Nếu bạn cảm thấy không thể chịu được việc nghe con khóc nữa, để chồng/vợ bạn trực thay, để bạn có thể đi bộ hoặc tắm. Khi bạn quay lại, bạn có thể thay ca cho vợ/chồng mình.
• Điều chỉnh phương pháp để phù hợp nhất với gia đình bạn. Nếu bạn muốn thử phương pháp này nhưng thấy nó quá khắc nghiệt, bạn có thể sử dụng một cách tiếp cận dần dần. Ví dụ, bạn có thể kéo dài chương trình 7 ngày của Ferber thành 14 ngày, tăng thời gian chờ đợi sau 2 đêm thay vì một đêm. Hãy nhớ mục tiêu chính của bạn là giúp con bạn và bạn có những giấc ngủ ngon.
Các phương pháp này có tác dụng không?
Đối với một vài người, CIO có tác dụng ngay. Sau một vài đêm và với vài giọt nước mắt, con của họ đã có thể tự ngủ ngon. Đối với các phụ huynh khác, sau một thời gian thử không có tác dụng, hãy thử một cái gì đó khác.
Cuối cùng, không có phương pháp duy nhất nào cho tất cả mọi người. Một kỹ thuật có thể là có tác dụng với một đứa trẻ có thể hoàn toàn không hiệu quả với đứa khác. Và thậm chí nếu nó có hiệu quả với đứa con đầu tiên của bạn, nó có thể không đối với đứa thứ hai.
Tại sao một số người chống lại phương pháp CIO?
Một số cha mẹ và chuyên gia nuôi dạy con cái phản đối để cho bé khóc mà không có đáp ứng ngay từ cha mẹ. Họ lập luận rằng nó có thể làm giảm sự tin cậy của đứa trẻ đối với cha mẹ của mình và do đó cảm giác của bé về an toàn cũng bị đe dọa.
Trả lời với ý kiến này, Ferber nói rằng một em bé được chăm sóc và yêu thương suốt cả ngày có thể bị bỏ lại một mình một chút vào ban đêm mà không gây tác hại lâu dài gì.
“Một đứa trẻ chưa hiểu những gì là tốt nhất cho nó, và nó có thể khóc nếu không có được những gì mình muốn,” Ferber viết. “Nếu bé muốn chơi với một con dao, bạn sẽ không đời nào để bé chơi cho dù bé có khóc nhiều đến mức nào, và bạn sẽ không cảm thấy tội lỗi hay lo lắng hậu quả về mặt tâm lý. Việc đi ngủ không ngoan cũng có hại cho con bạn và bạn phải điều chỉnh nó"

No comments:

Post a Comment