Friday, October 19, 2012

5 bí mật về ăn dặm kiểu Nhật

Rất nhiều bà mẹ hiện nay đang quan tâm đến phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Câu hỏi đặt ra là: Một em bé Việt Nam, lại thử áp dụng theo phương pháp ăn dặm kiểu... Nhật thì có sao không? Chắc hẳn bạn vừa thích thú vừa có chút hồi hộp, âu lo khi dám làm ''cuộc cách mạng'' trong gia đình để thử cho con thực hiện theo cách mới này. Nhưng cứ thử tìm hiểu xem! Có thể bạn sẽ rút tỉa được nhiều điều đáng học!
Bác sĩ Phạm Khuê Anh (BV Nhi Đồng 1)
 1. Ăn dặm kiểu Nhật chú trọng gì?
 Điều căn bản nhất, cốt lõi nhất của ăn dặm kiểu Nhật là không quá chú trọng đến lượng ăn (không nhất thiết ép bé ăn nhiều), thay vào đó quan tâm đến sự thích thú của con, khiến con thực sự cảm thấy ăn là một điều thích thú, một ''trò hấp dẫn'' kích thích bé khám phá không ngừng. Phương pháp ăn dặm này giúp bé tránh rơi vào tình trạng chán ăn, sợ ăn; ngược lại, tìm mọi cách để trẻ yêu thích bữa ăn, qua đó phát triển cả về tình cảm và trí tuệ.
 2. Chuẩn bị tâm lý thế nào cho mẹ?
 Rất nhiều bà mẹ Việt Nam thích thú trước hiệu quả rõ rệt của những em bé được áp dụng theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, đầy hào hứng về ''thử'' cho con mình rồi sau đó... kế hoạch ''phá sản'', thất bại hoàn toàn! Vì sao? Câu trả lời nằm ở chổ: Bạn đã không chuẩn bị tâm lý đủ tốt để áp dụng phương pháp này. Muốn cho con ăn dặm kiểu Nhật, mẹ phải thật sự kiên nhẫn (vì biện pháp đó không phải một ngày một giờ thành công được).
 Nhiều mẹ sốt ruột khi thấy con tăng cân chậm, ăn ít so với trẻ cùng tuổi. Thế là chỉ sau vài tuần ''ăn dặm kiểu Nhật'' lại quay ngay về với... kiểu ''truyền thống'', tức lại cho bé vừa ăn vừa chơi, ép con ăn đến cùng và chiều theo sở thích của con như đòi xem tivi, đòi ẵm đi khắp nơi, dẫn đến thất bại. Trong khi đó, nếu nổ lực theo đến cùng với con phương pháp ăn dặm này, bạn sẽ đỡ cực rất nhiều khi bé lớn lên: Bé hào hứng với chuyện ăn, ăn đa dạng, có phản xạ nhai rất tốt, có thể tự ăn thay vì cứ phải chờ mẹ đút...
 3. ''Sắm'' ghế cho con nào!
 Một trong những thứ mang tính ''căn bản'' của ăn dặm kiểu Nhật chính là... chiếc ghế ăn! Với kiểu ăn dặm truyền thống của Việt Nam, bé hay được mẹ đặt lên bất cứ chỗ nào để cho ăn, thậm chí bế trên tay đi tới đi lui trong lúc ăn. Ăn dặm kiểu Nhật đòi hỏi một ''kỷ luật'' khác: Bạn cần cho bé ngồi vào ghế tập ăn ngay khi bé ngồi vững, nhằm tạo thói quen ăn uống tập trung, ăn xong mới làm việc khác. Bằng cách này, ngay từ nhỏ, bé sẽ ý thức được việc ngồi vào ghế (bàn) là đến giờ ăn, chỉ ăn thôi chứ không làm việc khác, ăn xong mới được đi chơi. Những bữa ăn như thế chỉ kéo dài khoảng 20 phút là dứt điểm nên rất khỏe cho mẹ và bé sau này.
 4. Coi trọng sự đa dạng
 Với ăn dặm kiểu Nhật, bé được khuyến khích làm quen với những thứ mới, đa dạng. Để thực hiện điều này, bạn sẽ không thể xay nhuyễn, nghiền nát và... trộn ''hằm bà lằng'' mọi thứ với nhau thành một món hỗn hợp cho con ăn theo kiểu truyền thống. Nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật là: Thường xuyên đổi món mới. Lưu ý mỗi ngày cho bé thử tối đa 1 món mới, vì nếu cơ thể bé phản ứng, dị ứng sẽ không biết là do thức ăn nào gây nên. Món mới luôn bắt đầu từ một muỗng và nên tập ít nhất 2 ngày để xem cơ thể bé có phản ứng gì không.
 5. Khuyến khích bé tự ăn
 Đây cũng là một trong số những ''bí mật'' quan trọng của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Tức là thay vì mẹ cứ lăm le ẵm con, đút cho con ăn suốt đến khi con 2 – 3 tuổi, thậm chí nhiều bé đến 4 – 5 tuổi vẫn còn phải chờ mẹ đút mới chịu ăn thì ở đây bé sẽ được khuyến khích tự ăn càng sớm càng tốt. Cụ thể, bé 6 – 7 tháng đã được cho làm quen với một ít bánh khô, loại dễ tan trong miệng để bé tự thực hiện động tác cầm và gặm ăn (chưa có răng vẫn ăn được).
 Đến 8 tháng, bé được tập cho ăn uống bằng ống hút. Đến 1 tuổi, bé đã có thể tự cầm cốc (loại dành riêng cho trẻ em, an toàn, không đổ) để uống nước. Suốt quá trình ăn dặm, mẹ chỉ đút bước đầu. Ngay khi bé có dấu hiệu thích cầm thức ăn cho vào miệng thì mẹ cần khuyến khích để bé tự làm. Có thể cho bé một cái muỗng, một cái chén với chút ít thức ăn tha hồ để bé tự ''khuấy'' lung tung trong đó như chơi trò chơi. Đến lúc bé quen thuộc, khéo hơn, muốn bốc thức ăn cho vào miệng thì vẫn để bé tự làm, chỉ kiểm soát bé mà thôi.
 Khi bé được trên dưới 1 tuổi, cho bé tự ăn càng nhiều càng tốt. Mẹ chỉ cần giữ vững nguyên tắc: không ngại...dơ, không ngại phải mất thời gian rửa ráy cho bé trước và sau mỗi bữa ăn. Không thấy con quá ''vụng về'' mà làm giúp cho con luôn. Bằng cách đó, chỉ sau một thời gian, bạn sẽ là người được tận hưởng ''quả ngọt'': Con của bạn sẽ thể hiện rõ sự tự lập so với những bé cùng tuổi, có thể tự xúc ăn một mình một cách rất khéo léo và rất thích thú với những bữa ăn do mình tự xúc ăn, chứ không rơi vào tình trạng bị mẹ ép suốt ngày, hò hét cả tiếng đồng hồ để cho bé ăn một chén cơm như cách truyền thống nữa.

1 comment:

  1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết rất hay ?
    -------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Blog thời trang dành mẹ bầu
    Web: http://bauthoitrang.blogspot.com/
    Keywords: Đầm bầu dự tiệc mua ở đâu tphcm
    Keywords: Dam bau du tiec mua o dau tphcm

    ReplyDelete