Tuesday, October 9, 2012

Cách dạy con của Thái Tiếu Vãn

“Về việc dạy con sau khi đứa con đầu lòng chào đời, vợ chồng tôi tuyệt đối không dễ dàng nghe theo ý kiến của người khác, cũng không thường xuyên thay đổi phương pháp dạy con của mình. Vợ chồng tôi đã biên soạn những phương pháp khả thi và thiết thực nhất để có thể tiến hành giáo dục sớm cho con.
Thứ nhất, rèn luyện khả năng tập trung.
Chưa đầy một tháng tuổi, Thiên Văn đã có thể nhìn bố mẹ một cách chăm chú. Không lâu sau đó, cháu đã có thể tập trung ánh nhìn của mình vào cha mẹ theo nhịp đưa nôi của vợ chồng tôi từ trái sang phải, rồi lại từ phải qua trái. Sau này, chúng tôi thường xuyên dùng phương pháp này để rèn luyện con. Có lúc, chúng tôi dùng những đồ chơi màu sắc sặc sỡ hoặc phát ra âm thanh để làm cháu tập trung chú ý.
Vợ chồng tôi từ từ tăng dần thời gian chú ý, từ một đến hai phút, rồi đến năm phút, thậm chí lâu hơn nữa. Lúc mới bắt đầu rèn luyện, khi xuất hiện tiếng động mạnh ở xung quanh, Thiên Văn liền dừng sự chú ý. Sau một thời gian rèn luyện, dần hình thành thói quen tập trung, kể cả có âm thanh lớn, thì cháu vẫn chú ý cao độ. Việc bồi dưỡng thói quen "chú ý" như vậy rất tốt cho khả năng tập trung sự chú ý của trẻ. Sau khi Thiên Văn trưởng thành, khi học tập hay làm việc luôn tập trung cao độ, thậm chí có thể chuyên tâm ngồi học ở những nơi đông người qua lại và nhiều thanh âm hỗn tạp như trên phố hay bên đường mà không hề bị phân tâm.
Thứ hai, rèn luyện lòng dũng cảm.
Sau khi Thiên Văn đầy tháng, tôi thường xuyên dùng hai tay nhấc bổng cháu lên cao. Mỗi lần như vậy, cháu đều tỏ ra rất "hoảng sợ". Khi đã quen, cháu chuyển từ cảm giác "hoảng sợ" sang "thích thú".
Thứ ba, không thể xem nhẹ việc dạy trẻ tập bò.
Quá trình rèn luyện mang lại nhiều hứng thú nhất là việc tập bò. Khi Thiên Văn được bốn tháng tuổi cũng là lúc mùa hè đến, chúng tôi để cháu ngủ trên gác xép. Có lần, vợ chồng tôi để cháu ngủ trong tư thế nằm ngửa, khi tỉnh dậy, thấy cháu đã di chuyển một quãng khá dài, lúc này vợ chồng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra là cháu đã biết bò. Vì thế, chúng tôi bắt đầu rèn cho cháu tập bò. Và chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm: để cháu hứng thú tập bò, nên đặt trước mặt cháu một thứ đồ chơi cháu yêu thích nhất: đó là quả cầu nhỏ bằng da. Nhìn thấy quả cầu, cháu vội bò tới. Chúng tôi không để quả cầu ở quá xa mà đặt trong phạm vi khả năng của cháu, lúc cháu gần bắt kịp, lại đặt ra xa thêm một khoảng thích hợp. Cứ thế vài lần, cháu có thể kiên trì bò qua, nhanh chóng bò từ cửa trước sang cửa sau. Chỉ trong chốc lát, cháu đã bò hết quãng đường dài 12m. Cuối cùng, khi nắm được quả cầu nhỏ, cháu cười sung sướng vì chiến thắng. Nếu ngay từ đầu đặt quả cầu nhỏ quá xa sẽ khiến cháu mất hứng thú lấy cầu. Điều này gợi cho chúng tôi nhận thức được được rằng trong quá trình giáo dục sớm tại gia đình, cần phải xác định lượng công việc phù hợp, để con trẻ không cảm thấy quá nhẹ nhàng hay quá khó khăn, lấy hứng thú của trẻ làm giới hạn, như vậy mới mang lại hiệu quả rèn luyện tốt nhất.
Thứ tư, khích lệ bọn trẻ "tập bước đi đầu tiên".
Do được rèn luyện tập bò đúng cách, tứ chi của trẻ trở nên cứng cáp, cơ bắp toàn thân cũng được phát triển một cách đồng đều. Chưa đến năm tháng tuổi, Thiên Văn đã biết tự ngồi một mình, tám tháng tự đứng, đồng thời có thể bám vịn để tập đi. Từ bám vịn tập đi đến tự bước đi cần một quá trình rèn luyện đặc biệt. Chúng tôi để cháu tự đứng, sau đó đứng ở đằng trước cháu và vỗ tay, gọi cháu bước lại gần. Đầu tiên cháu sợ không dám bước. Lúc đó, phải đứng rất gần cháu, chỉ cách cháu khoảng một, hai bước, rồi dùng đồ chơi mà cháu thích để thu hút cháu, cháu mới chịu rướn người về phía trước. Bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng, qua mấy lần luyện tập, cháu bạo dạn hơn, bước chân cũng chắc hơn. Chúng tôi bèn đứng cách cháu ba, bốn bước rồi hướng về phía cháu và vỗ tay, sau khi thành công lại đứng ở khoảng cách xa hơn nữa. Mỗi lần thành công đều khích lệ cháu, nhấc cháu lên cao. Chúng tôi không bao giờ quên những hình ảnh vui vẻ khi Thiên Văn tập đi, niềm vui cháu bước được bước đi đầu tiên cho đến nay vẫn lưu lại trong ký ức của vợ chồng tôi.
Sau khi hưởng niềm vui chiến thắng, con trẻ sẽ ngày một bạo dạn. 10 tháng tuổi, Thiên Văn đã biết tự đi. Một lần, Tiểu Tương giặt quần áo bên bờ sông cách nhà hơn 100m, tôi khám bệnh ở nhà, chỉ một chút sơ ý, Thiên Văn đã tự mình ra ngoài, vừa đi vừa khóc gọi mẹ. Tiểu Tương hốt hoảng ôm lấy con, Thiên Văn không khóc mà cười rất to, như là tự chúc mừng thắng lợi của mình.
Thứ năm, rèn luyện tắm và nghịch nước.
Dù công việc bận rộn thế nào, vợ chồng tôi luôn giành thời gian tắm cho con hàng ngày, và để cháu nghịch nước thoải mái. Khi Thiên Văn được ba tháng tuổi, thời tiết nóng bức, chúng tôi tắm ở ngoài phòng cho cháu, cho cháu ngồi trong chậu rửa mặt, hai tay cháu nắm lấy thành chậu, ngồi rất vững. Mỗi khi nhìn thấy nước cháu rất vui vẻ, tuy chưa biết nói, nhưng cứ ngồi vào chậu nước là cháu reo vui cùng với tiếng cười rộn rã. Tám tháng tuổi, cháu có thể tự ngồi nghịch nước trong chậu rửa mặt. Chúng tôi dùng vòi phun nước lên người cháu, cháu hét lên, dùng tay xoa nước lên người bố mẹ. Mỗi lần tắm xong, cháu ngủ rất lâu và rất ngon.
Sau này, chúng tôi đều rèn các con tắm và nghịch nước, thường xuyên trong cả bốn mùa. Phương pháp này không những tạo thói quen vệ sinh cho trẻ mà còn rất có lợi cho sự phát triển toàn cơ thể. Thiên Văn từ nhỏ chưa hề bị ốm hay cảm mạo bao giờ.
Vợ chồng tôi còn bổ sung một phương pháp là "trêu cho con cười" và bắt đầu thực hiện khi Thiên Vũ được hai tháng tuổi. Mỗi khi cháu thức giấc, chúng tôi lại trêu cho cháu cười. Phương pháp này đem lại hiệu quả rất tốt, hai tháng sau Thiên Vũ đã biết cười. Cũng nhờ đó, Thiên Vũ già dặn sớm hơn Thiên Văn một chút. Cháu luôn mỉm cười, vui vẻ khi gặp mọi người.
Tuy giáo dục sớm không thay đổi được bản chất của khả năng di truyền, nhưng nó có tầm ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành và thành tài của trẻ. Nếu không được giáo dục sớm tốt, khi trưởng thành, người có 100 điểm gien di truyền chỉ có thể được thừa hưởng 50 điểm hoặc thấp hơn, còn đứa trẻ chỉ có 60 điểm điểm gien di truyền sẽ được thừa hưởng nó một cách trọn vẹn.”
Những nội dung khác
Thái Tiếu Vãn chỉ là một người cha bình thường. Ông có sáu người con, trước khi các con vào trung học, gia đình ông sống ở một làng quê êm đềm. Hơn 10 năm sau, các con của ông đều khôn lớn và thành tài. Quan điểm của người cha bình thường ấy rất đỗi giản dị: Làm cha là sự nghiệp cả đời! Ông từng nói: "Nuôi dạy con thành tài là sự nghiệp bức thiết suốt một đời của người làm cha mẹ. Nó mãi mãi là việc quan trọng nhất trong mọi công việc hàng ngày của họ.

No comments:

Post a Comment